Trong cơ thể người, gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, với vai trò thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để duy trì sức khỏe. Gan có khả năng tái tạo nhu mô bị mất, nếu như khối lượng hao hụt dưới 25% thì gan có thể phục hồi lại hoàn toàn. Gan được tiếp nhận chất dinh dưỡng và hóa chất hấp thu từ hệ tiêu hóa đầu tiên nên có nhiệm vụ như một “nhà máy lọc máu” chính trước khi thức ăn được chuyển hóa thành các dạng khác nhau trong cơ thể. Vậy chức năng của gan là gì?
Vai trò và chức năng của gan
Gan là một tạng lớn nhất của cơ thể, vừa có chức năng ngoại tiết, vừa có chức năng nội tiết, vừa là kho dự trữ của nhiều chất, vừa là trung tâm chuyển hóa quan trọng của cơ thể và có tính chất sinh mạng.
Chức năng chuyển hóa
Sự chuyển hóa các chất cơ bản (glucid, lipid, proid) diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau trong c ơ thể, nhưng ở gan quá trình chuyển hóa này diễn ra rất mạnh mẽ.
Chuyển hóa lipid
Chuyển hóa lipid chủ yếu xảy ra ở gan. Các acid béo đến gan phần lớn tổng thợp thành triglyceride, phospholipid, cholesterol ester. Từ các chất này gan tổng hợp tạo lipoprotein và đưa vào máu để vận chuyển đến các tổ chức, tế bào khắp cơ thể.
Chuyển hóa glucid
Glucid cung cấp năng lượng sống cho cơ thể (nó đảm bảo 2/3 toàn bộ năng lượng sống trong cơ thể). Chuyển hóa glucid tại gan thông qua quá trình tổng hợp glycogen dự trữ cho cơ thể và tăng phân giải glycogen cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Chuyển hóa protid
Với protein, gan là một trung tâm chuyển hóa quan trọng đồng thời cũng là một kho dự trữ quan trọng nhất của cơ thể.
Protein được dự trữ ở gan dưới dạng nhiều protein enzyme và một số protein chức năng. Các protein này khi phân giải sẽ tạo thành các acid amin đưa vào máu cung cấp cho các tế bào khác trong cơ thể.
Chức năng chống độc
Gan được xem như là một lá chắn của cơ thể có tác dụng ngăn chặn các chất độc xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, đồng thời làm giảm độc tính và thải trừ một số chất cặn bã do chuyển hóa chất trong cơ thể tạo nên.
Gan thực hiện chức năng chống độc bằng 2 cách như sau:
- Bằng các phản ứng hóa học: đây là cơ chế chủ yếu để biến các chất độc hại thành các chất không độc hoặc ít độc hơn rồi đào thải qua đường thận. Các phản ứng hóa học bao gồm: phản ứng tạo ure, phản ứng liên hợp và phản ứng oxy hóa khử.
- Bằng cách cố định và thải trừ một số kim loại nặng, các chất màu đến gan sẽ bị giữ lại không biến đổi gì và đào thải ra ngoài qua đường mật.
Chức năng tạo mật
Mật được sản xuất liên tục từ tế bào gan và được dự trữ cô đặc ở túi mật rồi từ đó được bơm xuống ruột non trong các bữa ăn. Mật có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn tan trong dầu, giúp hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.
Tế bào gan là nơi sản sinh dịch mật và dự trữ chúng trong các túi mật. Dịch mật theo đường ống mật đi xuống tá tràng để hòa trộn vào thức ăn, thực hiện nhiệm vụ nhũ hóa chất béo, cholesterol, một số loại vitamin để ruột non dễ hấp thụ. Mỗi ngày gan tiết ra 0.5 lít mật, thành phần của mật bao gồm: muối mật, sắc tố mật, cholesterol, bilirubin, chất điện giải và nước.
Chức năng dự trữ
Dự trữ máu:
Gan là cơ quan nhận được nhiều máu nhất trong cơ thể. Do đặc điểm cấu tạo của gan, các tế bào nội mạc của các xoang mạch nam hoa không gắn chăt vào nhau mà chỉ xếp chồng lên nhau, khiến cho các xoang này dễ giãn và giãn to hơn bình thường và như vậy sẽ chứa được nhiều máu hơn ở các mạch khác trong cơ thể, thực hiện chức năng dự trữ máu.
Dự trữ vitamin B12:
Vitamin B12 sau khi được hấp thụ sẽ được vận chuyển về gan và dự trữ ở đó rồi được giải phóng dần cho cơ thể sử dụng. Lượng dự trữ vitamin B12 ở gan rất lớn, có thể dùng cho cơ thể khoảng 2 năm ở điều kiện bình thường .
Dự trữ các vitamin tan trong dầu:
Gan vừa có tác dụng làm tăng hấp thu các vitamin tan trong dầu nhờ chức năng bài tiết mật, vừa là nơi dự trữ các vitamin ấy. Một số vitamin tan trong dầu được dự trữ tại gan như : vitamin A, vitamin D, vitamin E ..
Dự trữ sắt:
Sắt được dự trữ tại gan dưới dạng liên kết với apoferritin. Từ gan, sắt được vận chuyển dần tới tủy xương, tham gia vào quá trình tạo hồng cầu.
Chức năng của gan và các tế bào gan tái sinh như thế nào?
Do tầm quan trọng và các chức năng của gan, các tế bào của cơ quan này có thể tái sinh nhanh chóng, chỉ cần chúng vẫn còn khỏe mạnh. Theo các chuyên gia, gan là cơ quan nội tạng duy nhất có khả năng tái tạo, với số lượng mô lúc đó ít nhất là 25% so với số lượng ban đầu khi gan khỏe mạnh.
Một trong những khía cạnh ấn tượng nhất của khả năng này là gan có thể phục hồi kích thước cũng như các chức năng của gan trước đó trong quá trình tăng trưởng. Ở người, quá trình tái tạo gan có thể diễn ra trong 8–15 ngày. Sau đó vài tuần, những mô gan mới được tái tạo hoàn toàn giống các mô ban đầu.
Các yếu tố tăng trưởng và cytokine là hai nhóm hợp chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái tạo tế bào gan. Những hợp chất còn lại cũng có vai trò tương tự bao gồm:
- Yếu tố tăng trưởng tế bào gan
- Insulin
- Yếu tố tăng trưởng biến đổi–alpha
- Yếu tố tăng trưởng biểu bì
- Interleukin-6
- Norepinephrine
Làm thế nào để duy trì chức năng của gan?
Bài viết sau sẽ gợi ý cho bạn một số lời khuyên sau nhằm duy trì chức năng của gan hoạt động ở mức tốt nhất:
Chế độ ăn uống lành mạnh
Một trong số những chức năng của gan là tiêu thụ chất béo. Việc bạn áp dụng chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ có thể khiến cơ quan này làm việc quá mức. Nếu kéo dài, sức khỏe gan sẽ bị tổn hại. Mặt khác, béo phì có mối liên hệ chặt chẽ đến bệnh gan nhiễm mỡ.
Thận trọng khi sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc
Một số loại thuốc theo toa và thảo dược tự nhiên có thể phát sinh độc tố nếu kết hợp chung. Không những thế, uống thuốc bằng rượu gây áp lực đáng kể lên gan. Ví dụ, kết hợp rượu và acetaminophen có thể dẫn đến suy gan cấp tính. Bạn cần phải chắc chắn làm đúng theo hướng dẫn y khoa khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Hạn chế uống rượu
Uống quá nhiều rượu có nguy cơ gây ra bệnh xơ gan theo thời gian. Khi gan phân hủy rượu, nó sẽ tạo ra các hoạt chất độc hại, chẳng hạn như acetaldehyde và các gốc tự do dễ dàng tổn thương các tế bào khỏe mạnh.
Đề phòng độc tố từ không khí
Nếu bạn dùng sơn hoặc sử dụng hóa chất tẩy rửa hoặc các loại thuốc trừ sâu và diệt cỏ mạnh, các khu vực này phải được lưu thông không khí tốt. Đặc biệt, bạn phải đeo khẩu trang khi sử các loại hóa chất này. Hóa chất dạng khí có thể tăng thêm áp lực giải độc ở gan vì chức năng của gan là xử lý bất kỳ độc tố nào xâm nhập vào cơ thể.
Tránh tiếp xúc với máu và vi trùng
Bạn nên tiếp nhận các dịch vụ chăm sóc y tế nếu vừa vô tình tiếp xúc với máu người khác. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý không dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng hay khăn mặt.
Quan hệ tình dục an toàn
Hiện nay, vắc xin viêm gan C vẫn chưa được hoàn thiện. Vì vậy, bạn cần cẩn thận khi quan hệ tình dục, xăm mình hoặc xỏ khuyên tránh lây nhiễm virus.
Các tìm kiếm liên quan
- Các chức năng của gan
- Cấu tạo và chức năng của gan
- Vị trí và chức năng của gan
- Chức năng thải độc của gan
- Chức năng của gan theo Đông y
- Tế bào gan
- Chức năng của mật
- Xét nghiệm chức năng gan
Nội dung liên quan:
- Công dụng của khoai lang đối với sức khỏe và từng loại bệnh
- Nguyên nhân nào dẫn đến hôn nhân nguội lạnh?
- Hướng dẫn cách sơ cứu đột quỵ đúng cách, an toàn cho người bệnh